Làm giả tài liệu hoặc sử dụng tài liệu giả là vi phạm pháp luật
16/03/2024
Thời gian gần đầy, tình trạng làm giả mạo giấy tờ, tài liệu và sử dụng giấy tờ giả đang có nhiều diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi hơn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, tùy theo tính chất và mức độ phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mức cao nhất là 07 năm tù, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng đang điều tra làm rõ vụ án hình sự “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 13/QĐ-VPCQCSĐT ngày 19/4/2023 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng.
Qua kết quả điều tra, ngày 10/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố đối với 31 bị can có hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức gồm các Hợp đồng mua bán xe mô tô, xe máy; Hợp đồng ủy quyền; Giấy mua bán cho tặng xe, Giấy ủy quyền; Đơn cớ mất được làm giả - chứng thực khống… sử dụng để hợp thức hồ sơ đăng ký xe mô tô, xe máy mà không thực hiện công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật, đăng ký cho các xe mô tô không rõ nguồn gốc, không chính chủ hoặc xe do vi phạm pháp luật mà có để lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng đang tiếp tục làm rõ và xử lý đối với những cá nhân có hành vi liên quan.
Giấy tờ làm giả bị phát hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Trước tình hình trên, khuyến cáo người dân khi mua, bán xe mô tô, xe máy và các tài sản theo quy định cần công chứng, chứng thực thì phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, nên trực tiếp đến cơ quan có chức năng thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ về công chứng, chứng thực mua bán xe, ủy quyền. Tuyệt đối không sử dụng các tài liệu giả, chứng thực khống, xác nhận khống để hợp thức hóa hồ sơ mua bán đăng ký sang tên. Những trường hợp làm giả tài liệu, chứng thực khống hoặc sử dụng tài liệu giả và hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 341 và Điều 356 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).
Từ thực tế cho thấy, việc sử dụng giấy tờ giả tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường cho xã hội, nhất là khi được sử dụng trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, an ninh, trật tự; ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín cá nhân; làm mất niềm tin của cộng đồng. Do đó, mỗi người dân cần phát huy tính tự giác, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nói không với việc mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả; cần nâng cao cảnh giác trước những nội dung chào mời mua bán, cung cấp tài liệu, giấy tờ không chính thống trên mạng xã hội, mạnh dạn báo tin, tố giác tội phạm đến các cơ quan chức năng nếu thấy có hiện tượng lừa đảo, giả mạo. Đặc biệt không làm giả mạo giấy tờ, tài liệu và sử dụng giấy tờ giả vì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
N.H - D.H